Mục lục
- 1 Văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là gì
- 2 Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ
- 3 Các thao tác lập luận trong cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí
- 4 Cách làm văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng theo đạo lý
- 5 Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”
- 6 Gợi ý một số dạng đề bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí thường gặp
- 7 Kết luận
Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí được chia sẻ từ ihoc.vn trong bài viết này. Chắc chắn sẽ là cơ hội giúp các bạn học sinh ôn tập lại kiến thức về cách làm bài nghị luận xã hội nói chung với các kỹ năng tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý chi tiết nhất. Theo dõi bài viết cùng chúng tôi nhé!
Văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là gì
Nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lí là một trong những dạng đề phổ biến của thể loại văn nghị luận xã hội. Chính vì vậy, loại bài này sẽ mang đầy đủ các nét đặc trưng cơ bản của một bài văn nghị luận xã hội. Cách thức làm bài theo các bước tương tự như với cách làm bài văn nghị luận xã hội nói chung. Tuy nhiên, sẽ có đôi chút khác biệt so với cách làm bài nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống. Khi chúng ta cần xác định được yêu cầu của đề bài, bởi dạng đề này rất rộng.
Nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lí thường rất phong phú về mặt nội dung. Đó có thể là vấn đề mang tính tích cực (lòng dũng cảm, tình yêu thương, tình mẫu tử, tình thầy trò, tình đồng bào…). Hoặc cũng có thể là những vấn đề tiêu cực (bệnh vô cảm, sự dối trá, vụ lợi…).
Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ
Thông thường, các chủ đề tư tưởng, đạo lý trong cuộc sống thường xuất hiện thông qua ca dao, tục ngữ, danh ngôn, đoạn thơ, bài thơ, tác phẩm truyện hoặc đoạn trích… Các đề bài sẽ yêu cầu học sinh đưa ra quan điểm, ý kiến bình luận, phân tích, chứng minh để làm rõ vấn đề. Chính vì vậy, đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp những dạng đề bài tương tự như cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ hay cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
Người viết trước tiên cần xác định được hướng viết và luận điểm sẽ triển khai. Từ đó xây dựng dàn bài nghị luận tư tưởng đạo lí. Bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ cần có đủ các luận điểm chính như sau. Đây cũng là những chia sẻ từ các giáo viên bộ môn Ngữ Văn, về cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí sẽ giúp học sinh đạt điểm cao. Các bạn cần nên “Note” lại lưu ý này nhé!
Luận điểm 1: Giải thích tư tưởng đạo lí
Tư tưởng, đạo lí trong đề bài có thể hình thành qua ca dao tục ngữ, đoạn thơ, đoạn văn, tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Và cũng có thể là các câu nói trình bày về một quan điểm nào đó đã được đúc kết. Chính vì vậy, việc đầu tiên người viết cần làm khi từng bước lập luận chính là giải thích nghĩa đen của vấn đề.
Luận điểm 2: Bình luận, chứng minh tư tưởng đạo lí
Dùng dẫn chứng từ thực tế để chứng minh các mặt đúng, sai của vấn đề. Có thể thông qua các câu chuyện, sự việc nổi bật có ý nghĩa thể hiện bản chất đúng đắn và thu hút được sự quan tâm của xã hội. Có như vậy, những luận điểm, lập luận của bạn mới đủ sức thuyết phục và đủ sức nặng để phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề, mang đến ý nghĩa răn dạy với mọi người.
Luận điểm 3: Bài học rút ra
Để đi sâu làm rõ mọi khía cạnh của luận điểm chính. Chúng ta cần sử dụng hệ thống các luận điểm nhỏ, luận cứ để triển khai làm rõ vấn đề. Với bất cứ một luận điểm chính nào, người viết cần sử dụng đến nhiều thao tác lập luận khác nhau như chứng minh, so sánh, đánh giá, bàn luận,… để triển khai đa dạng những hướng nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách cụ thể và chi tiết. Có như vậy, chúng ta mới có thể đúc kết vấn đề và rút ra những bài học giá trị cho chính bản thân và người đọc.
Các thao tác lập luận trong cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí
Là một dạng đề trong thể loại văn nghị luận xã hội. Chính bởi vậy, cách làm bài nghị luận tư tưởng đạo lý cũng sẽ cần đến các thao tác lập luận tương tự với những dạng đề cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ hay cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Khi kết hợp hiệu quả vai trò và sự liên kết giữa các thao tác lập luận. Người viết sẽ có thể đi đến “tận cùng” để “mổ xẻ” vấn đề với nhiều góc nhìn khác nhau.
Giải thích
Thao tác giải thích giúp người đọc có thể hiểu rõ nội dung tư tưởng, vấn đề được đề cập trong bài viết của bạn là gì.
Người viết cần xác định được các từ khóa và ý nghĩa của nó trong ngữ cảnh cụ thể của câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, đoạn thơ, bài thơ, mẩu truyện hoặc đoạn trích. Qua đó rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý, quan điểm mà tác giả đã gửi gắm. Cũng như thể hiện cho tính đúng đắn của tư tưởng đã được khẳng định.
Phân tích
Khả năng phân tích của người viết thông qua các bình luận, lập luận thuyết phục, dẫn chứng từ thực tế. Sẽ mang đến những sự nhìn nhận và đánh giá về tính đúng đắn của thông điệp trong tư tưởng, đạo lý. Bên cạnh đó, khi phân tích vấn đề, người viết cũng sẽ mang đến nhiều góc nhìn mở rộng hơn của vấn đề cũng như khơi gợi suy nghĩa của người đọc về những nội dung liên quan đến chủ thể bài viết của mình.
Bác bỏ – phản biện
Khả năng lập luận bác bỏ sẽ thể hiện được năng lực của tác giả. Với một bài nghị luận theo chủ đề bất kỳ, thao tác lập luận bác bỏ được xem là bước làm khó nhất và thường quyết định chất lượng của bài viết và điểm số cho người viết.
Bác bỏ nghĩa là chúng ta đang lật ngược vấn đề cần bàn luận. Nếu vấn đề là đúng hãy đưa ra mặt trái của nó và ngược lại. Bảo vệ cái đúng cũng chính là phủ định cho cái sai. Khi đó, chúng ta sẽ có cách nhìn nhiều chiều hơn với vấn đề để nhìn nhận, đánh giá tốt nhất. Qua đó khẳng định được tính đúng đắn của vấn đề một cách chắc chắn hơn
Bàn bạc, đánh giá
Đánh giá vấn đề có còn phù hợp với xã hội hiện nay hay không. Các giá trị đạo lý có sự sâu sắc và cần được gìn giữ hay không. Thông qua việc bàn bạc để nhận định tác động của tư tưởng, đạo lý đến với người viết, với người đọc và toàn xã hội nói chung. Từ đó, rút ra giá trị thể hiện của quan điểm.
Cách làm văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng theo đạo lý
Cách làm mở bài nghị luận tư tưởng đạo lí
Giới thiệu vấn đề nghị luận, giới thiệu tác giả, tác phẩm đang truyền tải nội dung tư tưởng đạo lý được bàn luận. Lưu ý, với đề bài có trích dẫn, người viết cần đặt phần trích dẫn chính xác trong dấu ngoặc kép.
- Khái quát vai trò, ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí đó trong cuộc sống. Bởi vấn đề nghị luận thường có tính thời sự hoặc mang tính xuyên suốt thời gian.
- Bạn có thể dẫn dắt vấn đề muốn nghị luận bằng cách giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng phải nói được vấn đề nghị luận là gì
Cách làm thân bài nghị luận tư tưởng, đạo lí
Nên chia thân bài thành nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn biểu đạt 1 ý trọn vẹn, hoàn chỉnh. Như vậy sẽ giúp bài văn mạch lạc, sáng rõ, thẩm mỹ hơn. Qua đó cũng giúp giáo viên dễ theo dõi để chấm điểm
Sử dụng các thao tác lập luận đúng chỗ để phát huy giá trị và hiệu quả của từng biện pháp
- Giải thích vấn đề: giải thích các từ ngữ quan trọng, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật…
- Bình luận: nêu quan điểm của bản thân về vấn đề
- Chứng minh: đưa lí lẽ, dẫn chứng để thuyết phục cho quan điểm đã nêu)
- Bàn luận mở rộng: phản biện đảo ngược vấn đề để bổ sung suy nghĩ cho người đọc.
Cách làm kết bài nghị luận tư tưởng, đạo lí
- Khẳng định lại vấn đề.
- Trình bày ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí cần nghị luận trong cuộc sống hằng ngày.
Hướng dẫn cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”
Tìm hiểu đề và tìm ý
- Tìm hiểu nội dung tư tưởng, đạo lý của câu tục ngữ: nghĩa đen, nghĩa bóng
- Liên hệ thực tế
- Thể hiện truyền thống ân – nghĩa trong nguyên tắc sống của người dân Việt Nam
- Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hiện nay và tiếp tục được khẳng định ở những khía cạnh mới
Lập dàn bài
Mở bài
- Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận – “Uống nước nhớ nguồn”
- Khái quát về nội dung và ý nghĩa của câu tục ngữ và ý nghĩa răn dạy của nó
Thân bài
- Giải thích nội dung câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”
- Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ
- Phân tích những biểu hiện của tư tưởng, đạo lý – nội hàm của câu tục ngữ
- Đánh giá tư tưởng, đạo lý đúng đắn của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”
- Nêu dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn
- Khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ trong đời sống xã hội hiện nay và cả trong tương lai
- Câu tục ngữ khẳng định truyền thống tốt đẹp của đất nước
- Câu tục ngữ thể hiện nguyên tắc đối nhân sử thế của người Việt Nam
- Mở rộng vấn đề: câu tục ngữ nhắc nhở trách nhiệm của mọi người với đất nước
Kết bài
- Khẳng định ý nghĩa của tư tưởng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc
- Tự rút ra bài học cho bản thân và mọi người
Viết bài
Dựa vào dàn ý bài nghị luận tư tưởng đạo lí đã được lập trước đó để viết thành bài văn hoàn chỉnh
Đọc và sửa chữa bài viết
Kiểm tra lỗi chính tả và cách viết câu.
Gợi ý một số dạng đề bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí thường gặp
Nhìn chung, các dạng đề đều sẽ thường đưa ra các vấn đề thuộc về tư tưởng, đạo lý để người viết có thể bàn luận, chứng minh tính đúng đắn của vấn đề cũng như thể hiện quan điểm cá nhân với vấn đề. Dù có đưa ra mệnh lệnh hay không thì các đề bài nghị luận nói chung đều đòi hỏi người viết phải nhận định, giải thích, bình luận, chứng minh để làm rõ vấn đề
Đề 1: Suy nghĩ từ truyện cổ tích “Thạch Sanh”
Đề 2: Suy nghĩ của em về đạo lý Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Đề 3: Suy nghĩ của em về đạo lý Có chí thì nên
Đề 4: Em hiểu câu “Đoàn kết là sức mạnh” như thế nào
Đề 5: Suy nghĩ của em về Đức tính trung thực
Đề 6: Suy nghĩ của em về Tinh thần tư học
Đề 7: Bình luận về vấn đề Hút thuốc có hại
Đề 8: Bình luận về câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Kết luận
Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là một dạng đề các bạn học sinh thường dễ gặp, nhất là trong các các kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10. Đây là dạng đề được đánh giá có thể giúp các bạn đạt điểm trung bình. Thế nhưng để đạt được những điểm số cao, sẽ cần đến năng lực trình bày và kỹ năng lập luận của mỗi người.
Hy vọng, với những hướng dẫn và lưu ý về cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí trong bài viết này. Sẽ giúp các bạn hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình và chinh phục được những điểm số cao trong các bài thi. Đừng quên chia sẻ bài viết cũng như theo dõi ihoc.vn để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích tiếp theo.