Mục lục
- 1 Thông tin chung về trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Giới thiệu về trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chính Minh (ULAW)
- 3 Thông tin tuyển sinh trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (ULAW)
- 4 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh những ngành nào?
- 5 Học phí trường Đại học Luật Thành Phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?
- 6 Sức hút của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
- 7 Những điều thú vị tại trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mà ít ai nói bạn biết
- 8 Có nên theo học trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh không?
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ngôi trường đào tạo chính quy chuyên ngành Luật và một vài ngành Kinh tế uy tín bậc nhất tại khu vực phía Nam. Đây cũng là một trong nhiều ngôi trường được các bạn trẻ đưa ra làm chủ đề hỏi các anh chị trên nhiều diễn đàn dạy học trực tuyến. Đừng nghĩ vào được trường này là dễ vì trước tiên bạn phải học cách lách qua biển người trên đường Nguyễn Tất Thành để đến được cổng trường. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về ngôi trường này trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung về trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
- Tên tiếng Việt: Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên tiếng Anh: Ho Chi Minh City University of Law, viết tắt là ULAW.
- Trụ sở chính: 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Điện thoại: (84.28) 39400989
- Fax: (84.28) 38265291
- Website: www.hcmulaw.edu.vn
- Email: [email protected]
- Cơ quan quản lý trực tiếp: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ngày truyền thống của Trường: Ngày 30 tháng 3
- Mã tuyển sinh: LPS
Giới thiệu về trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chính Minh (ULAW)
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nằm toạ lạc trên con đường đông đúc Nguyễn Tất Thành (Quận 4). Một vị trí cực kỳ đắc địa do nằm ngay giữa trung tâm thành phố và đối diện với bến Nhà Rồng. Sinh viên sẽ có một trong những góc check-in xịn bậc nhất tại tầng cao nhất của trường khi bao trọn toàn cảnh thành phố.
Cơ sở thứ hai của trường Luật TP. HCM nằm tại Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (sắp được lên thành phố trong tương lai), cơ sở này có khuôn viên rộng hơn nhưng cũng là thử thách không nhỏ với những bộ “não cá vàng” hay quên đường khi phải chạy từ quận 4 sang tận Thủ Đức. Trường cũng có cơ sở thứ 3 (đang được xây dựng) tại Long Phước, quận 9, cũng là một thử thách không nhỏ cho ý chí các sinh viên khi phải chạy khoảng 25 km giữa 2 cơ sở, vượt qua biển người mà không bị muộn giờ học.
Lịch sử hình thành và phát triển
Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đã ra quyết định số 199-QĐ/ĐT ngày 16 tháng 10 năm 1982 về việc thành lập trường Trung học Pháp lý Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ chính là đào tạo cán bộ có trình đồ trung cấp pháp lý. Đến cuối tháng 12 năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định thành lập phân hiệu Đại học Pháp lý TP.HCM trực thuộc Bộ Tư pháp. Đến năm 1993, đổi tên phân hiệu Đại học Pháp lý Thành phố Hồ Chí Minh thành phân hiệu Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến ngày 30 tháng 3 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Cho năm 2000, trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã được tách thành trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận ngày nay.
Mục tiêu phát triển của trường
Mục tiêu chính của trường Đại học Luật Thành Phố Hồ Chí Minh là trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, hiện đại. Góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học, nhất là khoa học pháp lý. Từ đó giữ vai trò nòng cốt, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo khác, đặc biệt là các cơ sở đào tạo Luật ở các tỉnh phía Nam.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên
Đội ngũ giảng viên và cán bộ, công nhân viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng rất cao, được quy tụ từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, cốt yếu là từ đội ngũ cán bộ trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tính đến nay, Đại học Luật TP. HCM có tổng cộng 387 cán bộ với 277 giảng viên và 110 cán bộ quản lý. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên thỉnh giảng các giảng viên dày dặn kinh nghiệm lâu năm về công tác và giảng dạy cho trường.
Cơ sở vật chất
Chi tiết diện tích khuôn viên đất của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tại cả 3 cơ sở:
- Cơ sở Nguyễn Tất Thành, Quận 4: rộng 3569 m2
- Cơ sở Bình Triệu, Thủ Đức: rộng 3627 m2
- Cơ sở Phường Long Phước, Quận 9: rộng 12,8 ha (đang được xây dựng)
Tổng diện tích xây dựng nhằm phục vụ cho công tác đào tạo lên tới 27,879 m2. Trong đó bao gồm hội trường, phòng học, phòng đa chức năng và các trung tâm nghiên cứu. Ngoài ra, tại các khu giảng đường, tất cả các phòng nghiên cứu đều được trang bị các trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho việc học tập thực hành của sinh viên. Nhà trường cũng có xây dựng hẳn 5 phòng tin học, trang bị gần 300 máy tính cấu hình cao để phục vụ cho sinh viên học tập và nghiên cứu.
Thông tin tuyển sinh trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (ULAW)
Thời gian xét tuyển
Có 2 phương thức xét tuyển như sau:
- Phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Căn cứ theo thời gian quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
- Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT: Theo quy định của Bộ GD&ĐT sau khi có điểm THPT mỗi năm.
Đối tượng, phạm vi tuyển sinh và phương thức tuyển sinh
Áp dụng tuyển sinh cho tất cả đối tượng đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định riêng của nhà trường.
Phạm vi áp dụng: Trên toàn quốc
ULAW tuyển sinh theo phương thức:
- Phương thức 1: Ưu tiên xét tuyển và tuyển thẳng
- Phương thức 2: Xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, hội đồng nhà trường sẽ thông báo ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào trên website: www.hcmulaw.edu.vn các bạn nhớ theo dõi nhé.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh những ngành nào?
Mỗi năm, ULAW tuyển sinh cho 05 ngành học: Ngôn ngữ Anh, Quản trị – Luật, ngành Luật, Quản trị kinh doanh và ngành Luật Thương mại quốc tế. Chi tiết tổ hợp môn xét tuyển và chỉ tiêu các ngành có tại bảng sau:
Ngành | Mã ngành | Tổ hợp môn xét tuyển | Chỉ tiêu (dự kiến) |
Ngôn ngữ Anh (Chuyên ngành Anh Văn pháp lý) | 7220201 | D01, D14, D66, D84 | 100 |
Quản trị – Luật | 7340102 | A00, A01, D01, D03, D06, D84, D87, D88 | 300 |
Luật | 7380101 | A00, A01, C00, D01, D03, D06 | 1430 |
Quản trị kinh doanh | 7340101 | A00, A01, D01, D03, D06, D84, D87, D88 | 150 |
Luật Thương mại quốc tế | 7380109 | A01, D01, D03, D06, D66, D69, D70, D84, D87, D88 | 120 |
Học phí trường Đại học Luật Thành Phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?
Tuỳ vào chương trình giảng dạy mà sinh viên sẽ phải đóng học phí khác nhau, hiện tại trường có 4 chương trình giảng dạy đó là: Lớp đại trà, lớp Anh văn pháp lý, lớp chất lượng cao ngành Luật và Quản trị Kinh doanh, lớp chất lượng cao ngành Quản trị – Luật. Chi tiết học phí từng chương trình:
- Lớp đại trà (ngành Luật, ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị – Luật và ngành Quản trị kinh doanh): 18.000.000 VNĐ/sinh viên;
- Lớp đại trà ngành Anh văn pháp lý: 36.000.000 VNĐ/sinh viên;
- Lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh: 45.000.000 VNĐ/sinh viên;
- Lớp chất lượng cao ngành Quản trị – Luật: 49.500.000 VNĐ/sinh viên.
- Thí sinh đã tốt nghiệp đại học: 36.000.000 VNĐ/sinh viên.
Học phí trường Đại học Luật TP. HCM sẽ tăng theo mỗi năm, cụ thể mức tăng vào các năm tới như sau:
Tên chương trình học | 2022 – 2023 | 2023 – 2024 | 2024 – 2025 | 2025 – 2026 |
Hệ đại trà ngành: Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh | 31.250.000 | 35.250.000 | 39.750.000 | 44.750.000 |
Hệ đại trà ngành Quản trị – Luật | 37.080.000 | 41.830.000 | 47.170.000 | 53.100.000 |
Hệ đại trà ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý | 39.000.000 | 48.750.000 | 54.930.000 | 62.080.000 |
Hệ chất lượng cao ngành: Luật, Quản trị kinh doanh | 62.500.000 | 70.500.000 | 79.500.000 | 89.500.000 |
Hệ chất lượng cao ngành Quản trị – Luật | 74.160.000 | 83.660.000 | 94.340.000 | 106.200.000 |
Hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh | 165.000.000 | 181.500.000 | 199.700.000 | 219.700.000 |
Sức hút của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Chất lượng Đào tạo hàng đầu
Theo công bố từ kết quả của các Trung tâm Kiểm định được Bộ GD&ĐT công nhận thì trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh được lọt vào top 30 cơ sở giáo dục đạt chất lượng giáo dục và đã được trao giấy kiểm định chất lượng. Đây cũng là một trong 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật đầu tiên tại Việt Nam được công nhận.
Cơ hội việc làm rộng mở
86%, đó là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó tỷ lệ có việc làm ngay chiếm hơn 60% và khoảng 23% có việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng. Điều đáng chú ý là tỷ lệ này luôn giữ ổn định trên 85% trong rất nhiều năm và ngày càng tăng lên khi nhà trường tiếp tục chú trọng vào chất lượng giảng dạy.
Hoạt động phong trào sôi nổi
Nhiều bạn sẽ nghĩ trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh quá khô khan và nghiêm túc. Nhưng sự thật là có rất nhiều hoạt động phong trào sôi nổi đấy nhé, hằng năm có rất nhiều chương trình văn hoá văn nghệ, đặc biệt là các hoạt động tình nguyện. Chưa hết đâu, trường Luật có rất nhiều Câu lạc bộ từ năng khiếu đến học thuật với rất nhiều hoạt động lớn nhỏ trong cả năm, đảm bảo phù hợp với mọi tính cách và mục tiêu của từng sinh viên. Do đó, không chỉ bạn được học kiến thức chuyên ngành từ trên ghế nhà trường mà còn học được nhiều kỹ năng mềm và mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài trường nữa đấy.
Chương trình đào tạo tiên tiến
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có quan hệ hợp tác với rất nhiều cơ sở đào tạo luật ở nước ngoài và có khả năng hội nhập quốc tế cao. Theo thống kê thì nhà trường đang có hợp tác quốc tế với khoảng 30 trường đại học danh giá trên thế giới đến từ Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Thuỵ Điển, Singapore,… Với thông điệp Sáng tri thức – Vững công minh cũng như kinh nghiệm đào tạo lâu năm thì nhà trường tin chắc rằng đây là nơi lý tưởng để sinh viên và phụ huynh yên tâm học tập và phát triển tài năng.
Những điều thú vị tại trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mà ít ai nói bạn biết
- Học ở ULAW, bạn sẽ được thấm thía câu nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” bởi không cần tranh nhau đăng ký từng tín chỉ, việc bạn cần làm là theo học các học phần khoa đã quy định
- Môn thể dục tại ULAW dạy cả bơi, nên nếu không thành công cũng sẽ thành… tiên cá. Bạn phải không bị chìm mới được qua môn.
- Hãy học Toán thật tốt nếu không muốn sấp mặt khi học Luật – Quản Trị Kinh Doanh
- Điều đáng sợ nhất với sinh viên Luật là không phải sợ người yêu thay lòng mà chỉ sợ không đủ chỗ trong thang máy. Bởi chỉ có đúng 1 thang máy tại sảnh A dành cho sinh viên. Nếu không đủ kiên nhẫn thì việc phải leo bộ lên lầu 5, lầu 6 là chuyện cơm bữa. Đây cũng là cơ hội để tập cơ chân và giảm cân.
- Tuy cơ sở chính nằm ở Quận 4, nhưng bạn chỉ cần bước chân qua cầu Khánh Hội là đến được ngay phố đi bộ tại Quận 1.
- Nếu là sinh viên Luật TP. HCM, có 2 thứ nhất định không được bỏ lỡ : Một là bài thi giữa kỳ, hai là bài thi cuối kỳ.
- Rất nhiều “tấm chiếu mới” năm 18 tuổi thi vào trường ôm mộng bảo vệ công lý, nhưng khi vào học rồi chỉ muốn được ra trường.
- Rớt 1 môn nhiều lần là lỗi của bạn, nhưng tạch một lần nhiều môn tại ULAW thì chắc chắn không phải lỗi của bạn.
- Thi học kỳ tại ULAW sẽ kéo dài từ mùa đông năm trước sang tận mùa xuân năm sau.
- Học Luật Quốc tế là khi bạn được tham gia fan meeting với thầy cô trong khoa Quốc tế vào cuối kỳ (thi vấn đáp).
- Đại học nhàn lắm – câu này không đúng khi học ở ULAW. Khi vào học rồi thì sẽ là nước đi này em đi sai, trường cho em thi lại nhé.
- Thầy cô tại ULAW siêu tâm lý, không có tiến sĩ gây mê như các trường khác. Bải giảng trên trường luôn bám sát với thực tế.
Có nên theo học trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh không?
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đạo tạo 05 nhóm ngành, đây cũng là ngôi trường cung cấp nguồn cán bộ, nhân lực pháp lý cho các địa phương cho các tỉnh phía Nam. Vì vậy, nếu bạn đang có đam mê với một trong những ngành đào tạo trên thì đừng ngần ngại nộp hồ sơ đăng ký tại trường nhé. Chúc các bạn có một kỳ thi tốt đẹp.